Trong cuộc sống, nhiều người luôn cảm thấy rằng, bản thân
đang bước đi một cách lạc lõng và vô định. Họ chỉ có cuộc sống thường ngày và
công việc lặp đi lặp lại. Họ muốn nhìn thấy nhiều phong cảnh hơn, muốn theo
đuổi một bầu trời rộng lớn hơn, cũng muốn nuôi những ước mơ nhưng không thể
thực hiện được vì nhiều nguyên nhân.
Có câu nói rằng: "Điều đáng sợ nhất của
những người thành công chính là họ đang có một cuộc sống tốt hơn bạn rất nhiều
lần, nhưng họ vẫn không dừng lại ở hiện tại mà chăm chỉ phấn đấu không
ngừng."
Nhiều người nhận ra rằng, khi
càng kiếm được tiền, người ta càng thích dành thời gian cho 3 thứ sau đây.
- 01 -
Người càng biết kiếm tiền càng dành thời gian để tích lũy và đầu tư
Những ngày mới ra trường, An thường cảm thấy
cuộc sống thật khó khăn. Với mức lương thử việc, tiền đặt cọc thuê nhà, cộng
với chi phí đi lại, ăn uống… đều trở thành những gánh nặng khổng lồ. Tuy nhiên,
An cũng có một người bạn vừa tốt nghiệp không lâu đã có đủ năng lực để bắt đầu
trả góp mua nhà, mua xe bằng tiền của mình làm ra.
Tại sao lại có sự chênh lệch lớn như vậy?
Khi trò chuyện cùng người bạn đó, An mới phát
hiện ra rằng, cô ấy đã bắt đầu tích lũy vốn và đầu tư một cách có ý thức ngay
từ thời còn là sinh viên. Cô ấy cũng mở một cửa hàng buôn bán nhỏ cùng với bạn
cùng phòng. Vào mùa đông, nhiều sinh viên không muốn rời giường để mua bữa
sáng, vì vậy họ bán bữa sáng và cung cấp dịch vụ ship tận nơi. Mùa hè, rất
nhiều nữ sinh muốn giảm cân nên cửa hàng của họ lại bán đủ loại salad trái cây,
giao đến tận cửa.
Bên cạnh đó, mỗi tuần, cô ấy còn đến trung tâm
đào tạo tiếng Anh để làm việc bán thời gian, nhận làm gia sư cho một vài gia
đình.
Cứ như vậy, trong suốt 4 năm đại học, cô không
chỉ kiếm đủ tiền sinh hoạt phí cho bản thân mà còn có vốn để đầu tư hàng tháng
không bị gián đoạn. Theo lãi suất kép của thời gian, số tiền cô ấy kiếm được
vượt xa những người cùng lứa.
Những người càng biết kiếm tiền, họ càng thích dành thời
gian tiết kiệm và đầu tư.
Ông trùm dầu lửa Mỹ John Rockefeller đã nói:
"Những người suốt ngày chỉ biết làm việc sẽ đánh mất thời gian kiếm
tiền".
Trong cuốn sách "28 thói quen tài chính
của người giàu": "Kiếm tiền đôi khi cũng giống như một cuộc thi chạy,
muốn tham gia cuộc đua, ít nhất bạn phải có giày và thể lực. Quá trình mua giày
và rèn luyện thể lực thực chất chính là "tiết kiệm". Quá trình chạy
đua chính là "đầu tư". Chỉ khi làm việc đi đôi với tích lũy, sau đó
đầu tư một cách khôn ngoan với những khoản tiền rảnh rỗi, đến cuối cùng, bạn
mới có thể thu được kết quả lớn.
- 02 -
Người càng biết kiếm tiền càng dành thời gian gia tăng tri thức để kiếm thêm
nhiều tiền hơn
Tỷ phú Lý Gia Thành luôn duy trì 3 thói quen:
Một, mỗi tối sau khi về nhà, xem TV 20 phút để hiểu thế
hệ trẻ;
Hai, mỗi tối trước khi đi ngủ đều đọc sách,
nghiền ngẫm cẩn thận những nội dung chuyên môn;
Ba, dù đi ngủ muộn thế nào, vẫn sẽ dậy sớm lúc
6 giờ sáng để tập thể dục, ở đây là chơi gôn.
Gia cảnh khó khăn thuở nhỏ đã khiến Lý Gia
Thành bắt đầu tìm cách kiếm tiền từ khi mới 12 tuổi. Càng làm việc, ông càng
nhận ra lối thoát duy nhất để đổi đời chính là tri thức. Do đó, ngay khi có
tiền, ông lại mua sách và đọc đi đọc lại không ngừng. Thói quen này được ông
duy trì suốt hàng chục năm ròng.
Kiến thức không quyết định sự giàu có ngay lập
tức, nhưng khi có được tri thức trong tay, bạn mới có nhiều cơ hội hơn và biết
cách để nắm bắt những cơ hội đó.
Cuộc khảo sát độc giả được thực hiện bởi tạp
chí kinh tế nổi tiếng của Nhật Bản "PRESIDENT" đã chỉ ra: "Thu
nhập càng cao, người ta càng dành nhiều thời gian cho việc đào tạo hay học
tập."
Lấy một người có thu nhập hàng năm 5-9 triệu
yên làm ví dụ, thời gian đọc sách chỉ 5-30 phút mỗi ngày. Còn nhóm người có thu
nhập hàng năm hơn 15 triệu yên đọc trung bình hơn 30 phút mỗi ngày.
Có thể thấy, nếu bạn
muốn thành công trong một lĩnh vực nào đó, bạn nên học hỏi từ trí tuệ và kiến
thức của những người đã thành công trong lĩnh vực đó. Càng hiểu vấn đề ở nhiều
góc độ, họ càng có được khả năng để thực hiện tốt công việc của mình, đạt được
những lợi ích không phải ai cũng có được.
- 03 –
Người càng biết kiếm tiền càng dành thời gian cải thiện năng lực cạnh tranh cốt
lõi
Một nhà văn nổi tiếng trên mạng xã hội từng
chia sẻ về trải nghiệm đi taxi khó quên của mình. Sau khi lên xe, bà nhận thấy
tài xế nhận được rất nhiều cuộc điện thoại hẹn đón và gần như kín lịch cả ngày.
Dường như mọi người rất thích tìm đến người tài xế nọ nếu cần di chuyển đường
dài.
Điều này khiến nhà văn không ngừng tự hỏi: Có
điều gì đặc biệt ở chiếc xe này?
Chú ý quan sát nhiều hơn, bà thấy trên ghế có
đặt một kệ để máy tính đơn giản, điều này giúp cho khách đi xe có thể đặt máy
tính và sử dụng thuận tiện nếu phải di chuyển đường dài. Trong xe có hương thơm
tự nhiên tươi mát, bởi vì tài xế mua một bó hoa nhỏ để treo trong xe mỗi ngày.
Trong xe cũng đặt sẵn một bình nước lớn, nếu khách cần thì có thể lấy sử dụng.
Không chỉ vậy, tài xế còn chuẩn bị sạc dự phòng, thuốc say xe, tinh dầu, túi
nôn, wifi miễn phí…
Chính sự phục vụ ân cần, chu đáo như vậy đã
giúp tài xế này có lượng lớn khách hàng tự tìm đến, không cần thông qua các đơn
vị trung gian. Nhờ vậy, thu nhập mỗi tháng của anh cũng cao hơn so với tài xế
taxi thông thường.
Có thể thấy, năng lực cạnh tranh cốt lõi được
gia tăng khiến người tài xế taxi trở nên nổi bật nhất trong số vô vàn sự lựa
chọn.
Có câu: "Giá trị và địa vị xã hội của một người tỷ
lệ thuận với khả năng không thể thay thế của người đó."
Trong sự nghiệp, trước hết phải hiểu rõ vị trí
của mình ở đâu, lợi thế của mình là gì. Nếu bạn không thể gia tăng năng lực
cạnh tranh, bạn sẽ rất dễ bị đào thải. Nếu chỉ lặp đi lặp lại công việc thường
ngày, nhận lương tháng ổn định không tăng không giảm, từ bỏ việc cải thiện bản
thân thì bạn chỉ luôn dậm chân tại chỗ.
Cuộc sống chưa bao giờ là dễ dàng. Nỗ lực chưa
chắc đã có kết quả, nhưng không cố gắng thì nhất định sẽ không có kết quả. Đừng
sợ bản thân bắt đầu quá muộn, mà hãy sợ bản thân chỉ có thể tầm thường cả đời.