Hỗ trợ trực tuyến
Thu Hương 099 699 9995
Minh Hằng 0973 283 636
Chiến Thắng 0973 283 636
Kim Oanh
0973 283 636
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 635
   Truy cập trong ngày : 4260
   Tổng số truy cập : 9067713
Khởi đầu năm mới suôn sẻ hơn với 4 cách ngăn ngừa trì hoãn 2/6/2023 3:56:10 PM
Năm mới Quý Mão vừa bắt đầu, chắc hẳn chúng ta đều trông mong một năm mới bình an và mọi sự hanh thông. Những bảng kế hoạch, mục tiêu ngắn hạn - dài hạn cho 365 ngày hiệu quả được lập ra với biết bao háo hức.

Nhưng đâu đó vẫn còn tồn tại những chướng ngại vật, những rào cản do chính bản thân chúng ta dựng nên làm cản trở chúng ta đến với thành công. Có mục tiêu, có kế hoạch là tốt, tuy nhiên, để chính thức bắt tay vào làm và theo đuổi đến cùng lại đòi hỏi sự kỷ luật, sự kiên trì và cố gắng.

Một trong những bí kíp giúp chúng ta sống trọn vẹn năm 2023 có thể kể đến là khả năng chống lại căn bệnh trì hoãn, bởi nếu không cẩn thận, khả năng cao là nhiều người trong chúng ta có thể sẽ cảm thấy bế tắc với thói quen trì hoãn của mình.

Vì sao chúng ta trì hoãn?

Bạn đã từng rơi vào hoàn cảnh tràn đầy năng lượng khi vạch ra mục tiêu, háo hức khi nghĩ về tương lai, nhưng lại mãi chưa thật sự bắt tay vào làm và rơi vào cảnh trì hoãn? Hay bạn đã từng bắt gặp bản thân dù biết mình cần hoàn thành những đầu mục công việc trên to-do-list nhưng cứ mãi lần lữa chưa thực hiện?

Theo thống kê năm 2010 của Tiến sĩ Joseph Ferrari - giáo sư tâm lý học tại Đại học DePaul (Chicago), 20-30% người trưởng thành thường trì hoãn. Gần đây, trong một khảo sát vào năm 2019 của tác giả sách nổi tiếng Darius Foroux, kết quả ghi nhận 88% người lao động thừa nhận họ trì hoãn ít nhất 1 giờ đồng hồ trong ngày.

Vì sao lại có nhiều người cùng thói quen “nước đến chân mới nhảy" như thế?

Các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng, trì hoãn không phải do sự lười biếng gây nên như nhiều người vẫn thường lầm tưởng. Nguồn cơn dẫn đến sự trì hoãn là do sự thiếu tự tin, thiếu khả năng tạo động lực cho bản thân của một cá nhân.

Trì hoãn xuất phát từ nỗi lo sợ rằng mình sẽ không cảm thấy hào hứng hoặc e ngại với một việc cụ thể nào đó, hoặc lo lắng rằng mình sẽ không gặt hái được kết quả như mong đợi. Vì thế, thay vì bắt tay vào làm ngay, chúng ta lại vẽ ra vô vàn lý do để lấp đi khoảnh khắc bắt đầu công việc.

Làm sao tránh xa căn bệnh trì hoãn này?

Theo tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Beth Kurland, chúng ta có thể áp dụng 4 cách sau để thoát khỏi cảnh trì hoãn:

1. Hãy nhắm mắt lại và nghĩ về điều mà bạn vẫn đang trì hoãn

Khi bạn đang có nhiều việc để làm và tâm trí lại trì trệ mãi chưa bắt đầu được, hãy cho phép bản thân nhắm mắt lại và nghĩ về điều bạn đang tìm cách né tránh. 

Trong lúc đó, hãy quan sát phản ứng cơ thể. 

Bạn có cảm thấy căng thẳng, nhịp tim tăng nhanh, hay tràn đầy năng lượng? Hãy thử xác định xem vùng não chịu trách nhiệm cho sự sống còn (survival brain) đang cố bảo vệ bạn khỏi điều gì? Liệu đó có phải là nỗi lo bản thân mắc phải sai lầm hoặc bị phán xét trong công việc (đôi khi được gọi với danh từ mỹ miều “chủ nghĩa hoàn hảo"), hay công việc quá phức tạp và bạn không biết nên bắt đầu từ đâu, cảm giác không thoải mái khi bạn trải nghiệm những điều mới.

2. Viết ra những dòng suy nghĩ giúp bạn vượt qua cảm giác trên và cảm thấy an toàn hơn

Hãy dùng những từ ngữ khích lệ phù hợp với bản thân mình, ví dụ: “gọi xong cuộc điện thoại này, tôi sẽ có thêm dữ liệu cho các bước tiếp theo trong công việc", “hoàn thành công việc này, tôi sẽ có thể đi du lịch vài ngày”, hoặc “trước đây tôi đã làm những việc khó hơn rồi, tôi hoàn toàn có khả năng làm tốt việc này”...

3. Chọn những việc mà não bộ bạn thấy an toàn khi làm, và não của bạn được tiếp sức

Đơn giản nhất, bạn hãy chia nhỏ các đầu việc. 

Ví dụ, nếu bạn muốn tập thể thao trong 30 phút mỗi ngày, bạn chỉ cần bắt đầu nhỏ với 5 phút chẳng hạn; nếu muốn tạo thói quen đọc sách, bạn hãy bắt đầu bằng 2 trang mỗi ngày, sau đó tăng dần; hoặc nếu muốn tích luỹ một số tiền cho cuối năm, bạn có thể bắt đầu với khoản tiết kiệm nhỏ chỉ từ 100.000/tháng. Khi bản thân đã vào guồng, bạn cứ thế tăng “chỉ tiêu” lên từng chút một, chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên khi nhìn lại thành quả sau một thời gian.

Hoặc bạn có thể nghĩ về viễn cảnh tích cực nếu bạn bắt tay vào việc, hãy nghĩ về cảm giác thành tựu khi vượt qua chính mình. Đó đều là những hình ảnh rất đáng mong chờ, bạn có nghĩ vậy không?

4. Hãy ăn mừng những thành quả nho nhỏ của bản thân

“Drop by drop the bucket filled - Như nước nhỏ từng giọt, rồi bình cũng tràn đầy" - Bạn hãy đảm bảo mình sẽ không bỏ qua những thành công nhỏ tích tiểu thành đại của bản thân. 

Nhiều người có khuynh hướng chỉ ghi nhận thành quả khi đạt được mục tiêu cuối cùng, tư duy này rất dễ khiến bạn thấy mất động lực và dễ từ bỏ. Ghi nhận từng bước tiến bộ sẽ mang lại cho bạn nhiều sức mạnh hơn bạn tưởng.

Nếu bạn đặt mục tiêu giảm 6kg trong năm 2023, hãy tự khen mình khi số cân của bạn giảm đi 1kg. Chính việc công nhận những nỗ lực của bản thân sẽ mang lại cho chúng ta động lực để duy trì và tiến xa hơn trên hành trình hiện thực hóa mục tiêu.

Jack Canfield - đồng tác giả sách Hạt giống tâm hồn từng nói, “There is no perfect time for anything. There is only now.” (tạm dịch: không có thời điểm hoàn hảo cho việc gì cả, thời điểm tốt nhất là bây giờ).

Trì hoãn không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng công việc và kết quả đạt được, thói quen tưởng chừng vô hại này có thể tác động lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta. Quan trọng hơn cả, nếu không cẩn thận, trì hoãn còn có thể khiến một cá nhân mất dần niềm tin vào chính mình. Vì vậy, luyện tập chống trì hoãn cũng là một cách tự yêu thương chính mình, và hãy yêu thương mình ngay từ giây phút này.

Lên đầu trang