Câu hỏi này tôi đã từng nghe, từng thấy rất nhiều trong các lá thư độc giả gửi về. Có một số người, lúc đầu rất thích tìm hiểu những đạo lý, lối sống, những bài học kinh doanh hay, nhưng lâu dần sau này, nếu có ai mở miệng nói cho anh ta nghe một bài học nào đó, anh ta nhất định sẽ cảm thấy rất phiền.
Bởi vì bài học thì anh ta hiểu rồi, nhưng bản thân lại không đủ kiên trì thực hiện.
Thông qua một vài khảo sát nhỏ, tôi nhận ra được rằng, có nhiều người mãi không khá lên nổi không phải vì họ chưa được tiếp xúc với những đạo lý hay, mà vì họ không đủ "giỏi" trong việc kiểm soát cảm xúc và hành động của mình.
Người đầu tiên tôi phỏng vấn là một anh chàng có tính khí nóng nảy, cũng vì vậy mà gia đình anh ta không được hòa thuận, lúc nào cũng nghe thấy tiếng cãi vã. Anh ta nói với tôi: "Biết là phải kiểm soát tính tình, nhưng chẳng phải ông bà xưa hay nói "giận quá mất khôn" đó sao, lúc giận lên ai mà kiểm soát cho được."
Người thứ hai là một nhân viên văn phòng có "thành tích" đi muộn đạt kỉ lục của công ty. Nghe lãnh đạo chỉ trích và đòi đuổi việc, cô ấy tự biết bản thân nên ngủ sớm dậy sớm thì mới tốt cho công việc và cả sức khỏe, ấy vậy mà vẫn không chống lại được cám dỗ của phim dài tập.
"Lập kế hoạch rõ ràng ngay từ bây giờ, cố gắng làm việc, siêng năng tập thể dục..." Rất nhiều người sau khi tự nhủ với mình điều này được tầm 3 ngày đến 1 tuần, liền bắt đầu bỏ cuộc vì cảm thấy sống có kỷ luật thực sự quá mệt mỏi.
Có người còn từng than thở với tôi: "Con người tôi là vậy đấy, khó mà thực hiện được lắm, nên chắc thôi vậy đi, cứ sống như trước cho khỏe."
Rất nhiều người đều đang nuông chiều logic này, duy trì hiện trạng trong an nhàn và không muốn thay đổi nữa. Nhưng nếu bạn không thay đổi chút nào cả, nhất định sẽ có đôi lúc bản thân rơi vào trạng thái không hài lòng với chính mình.
Và sau đó lại bắt đầu điên cuồng tìm cách thay đổi bản thân, chẳng hạn mua một vài cuốn sách, nhưng chẳng bao giờ đọc hết trừ vài trang đầu tiên ra. Hoặc giả là chạy đi đăng ký tập gym, nhưng được 2, 3 ngày cũng lặn mất tăm vì "bận".
Nếu có ai hỏi đến, lại tự hào bảo rằng bản thân đang thay đổi từng ngày, chỉ là do mua quá nhiều sách nên đọc chưa hết, bận quá nhiều việc nên chưa tiếp tục đi tập thể dục lại được...
Logic này nói ra thì nghe có vẻ hợp lý lắm, nhưng thực tế lại có rất nhiều kẽ hở. Lỗ hỏng lớn nhất chính là: "Bạn thực sự hiểu được gì?"
Lawson, một nhà tâm lý học tại Đại học Liverpool nước Anh đã từng làm một bài kiểm tra gọi là "Vấn đề xe đạp", các bước thế này:
Trước tiên, tôi sẽ hỏi mọi người một vấn đề: "Xe đạp là gì?"
Vấn đề này nghe có vẻ hơi ngớ ngẩn, tôi nghĩ mọi người nhất định đã bật cười.
Vậy sau đây, tôi sẽ đưa bạn một tờ giấy, không được chạy đi xem đồ vật thật, cũng không được tra internet, hãy dựa vào trí nhớ của mình vẽ ra một chiếc xe đạp hoàn chỉnh, bản vẽ phải có đầy đủ các bộ phận, yêu cầu duy nhất chính là: Nếu dựa theo bản vẽ này lắp ráp, xe đạp phải chuyển động được.
Thế nào, bạn có làm được không? Nếu không tin bạn có thể tự cầm bút lên vẽ thử ngay bây giờ.
Kết quả thí nghiệm của giáo sư Lawson là gần một nửa số sinh viên không thể hoàn thành chính xác và cho ra một bản vẽ hoàn chỉnh được.
Nếu chúng ta chưa vẽ ra cũng đừng nản lòng, vì hầu hết mọi người đều như vậy.
Điều này dẫn đến một điều thú vị:
Có rất nhiều việc, chúng ta đều cho rằng bản thân hiểu rõ nó, nhưng thực tế thì chỉ là "hiểu sơ sơ" mà thôi.
Giống như vấn đề ở trên: "Đạo lý tôi hiểu hết rồi, chỉ là không đủ kiên trì!"
Là thực sự hiểu hết sao?
Tất nhiên là không. Nói chính xác hơn, bạn chỉ mới nghe được đạo lý.
Bởi vì khi bạn thực sự hiểu hết những đạo lý này, bạn đã đi hành động, thay đổi ngay tức khắc, chứ không phải mượn một cái cớ để bản thân không cần thay đổi.
Hầu hết mọi người đều tuân theo suy nghĩ quán tính, nghĩa là giải quyết các vấn đề hiện tại theo cách mà họ đã từng xử lý trong quá khứ. Nhưng không phải việc nào cũng được giải quyết cùng một cách. Thiếu hiểu biết về bản chất sự việc sẽ dẫn đến kết quả không như mong muốn khi thực hiện.
Nhiều người thường treo một câu cửa miệng, đó chính là:
"Tôi biết sau khi tan ca về nhà, nên tận dụng thời gian rảnh để học hỏi thêm. Không nên chơi điện thoại, thế nhưng thực tế tôi vẫn không làm được."
Hãy suy luận tâm lý của một người thông qua các phương pháp giả định:
Bạn nói rằng bạn nên học tập chăm chỉ sau khi bạn đi làm về. Làm thế nào bạn có được nhận thức này? Bạn đã nghe nó từ người khác hay bạn đã thực sự trải nghiệm nó?
Rất nhiều người đều có cách nghĩ như vậy, hoặc có cách hiểu đạo lý như vậy, đều là nghe từ người khác, hoặc thấy người khác làm và gặt hái thành công. Sau đó chưa hành động đã coi nó như là nhận thức của riêng mình.
Chúng ta nên hiểu sự khác biệt giữa "biết", "hiểu" với "làm".
Khác biệt lớn nhất chính là: Trải nghiệm khác nhau.
"Hiểu" lúc đầu chỉ mới là kinh nghiệm của người khác, một khi bạn biết cách hành động, trải nghiệm rồi thì nó mới thành kinh nghiệm của chính bạn, mới thực sự là "hiểu".