Đối mặt với khó khăn, bạn không nên cảm thấy chán nản, mà hãy nghĩ cách để giải quyết bất kỳ vấn đề nào mà bạn gặp phải. Khi giải quyết được những khó khăn ấy, chắc chắn ngoài sự tự tin bạn củng cố cho bản thân, thì vị thế của bạn trong mắt người khác, sự ghi nhận, cảm kích người khác dành cho bạn cũng sẽ tăng lên. Hãy rèn cho mình 3 loại tâm thế mỗi khi đứng trước sóng gió dưới đây.
Dũng cảm
Có câu chuyện như sau:
Một nữ sinh viên vừa tốt nghiệp đại học đến xin việc ở một công ty nọ, ngay ở vòng phỏng vấn đầu tiên cô đã bị loại, vì người công ty cần là một kế toán có kinh nghiệm làm việc. Nhưng cô sinh viên này vẫn không nản chí, tiếp tục kiên trì. Cô nói với ban tuyển dụng: ‘Hãy cho tôi thêm một cơ hội nữa, hãy cho phép tôi tham gia vòng thi viết’. Ban tuyển dụng không thể từ chối lời đề nghị chân thành của cô nên đã đồng ý. Kết quả, sau bài thi viết, cô được giám đốc nhân sự cân nhắc vào vòng phỏng vấn tiếp theo.
Giám đốc nhân sự khá ấn tượng về bài thi viết của cô, nhưng chỉ có điều những lời cô nói làm ông có chút thất vọng. Cô nói rằng: Cô chưa hề làm việc gì liên quan đến nghiệp vụ kế toán, kinh nghiệm duy nhất là làm tài vụ cho hội học sinh của trường. Tìm một người không có kinh nghiệm làm công việc tài chính kế toán không phải là dự định của họ. Vì thế vị giám đốc ấy liền nói: ‘Hôm nay dừng ở đây thôi, nếu có thông tin gì, tôi sẽ điện thoại thông báo cho cô’.
Cô gái đang ngồi đột nhiên đứng dậy, không nói gì, chỉ lấy từ trong túi ra một tờ hai mươi nghìn. Hai tay cô đưa tờ tiền ấy cho vị giám đốc kia rồi nói: ‘Cho dù có được nhận hay không, xin ông hãy gọi điện cho tôi ạ’.
Vị giám đốc kia chưa gặp phải trường hợp thế này bao giờ, liền nói: ‘Tại sao cô lại biết chúng tôi không gọi điện cho người không trúng tuyển?’
Cô liền đáp: ‘Ông vừa nói nếu có tin gì sẽ gọi, như vậy có nghĩa là không có tin gì, tức là không trúng tuyển thì ông sẽ không gọi’.
Vị giám đốc thấy có gái này vô cùng thú vị, liền hỏi lại: ‘Nếu cô không được nhận, tôi gọi điện cho cô, cô muốn biết điều gì?’. ‘Xin ông hãy nói cho tôi biết có điểm nào tôi không đạt yêu cầu của công ty, điểm nào còn thiếu sót, như vậy tôi sẽ cố gắng làm tốt và thay đổi bản thân’. Vậy tờ hai mươi nghìn…’
Cô gái mỉm cười nói: ‘Gọi điện thoại cho người không trúng tuyển không thuộc vào chi phí bình thường của công ty, vì thế tôi sẽ chịu phí gọi điện thoại, xin ông hãy gọi cho tôi ạ’.
Giám đốc cười lớn và nói: ‘Cô hãy cất nó đi, tôi không cần gọi điện thoại nữa, bây giờ tôi có thể thông báo cho cô biết, cô đã trúng tuyển rồi’.
Và như vậy, cô gái đã dùng dũng khí, sự mạnh dạn của mình gõ vào cánh cửa tạo ra cơ hội và mở ra thành công.
Một học giả đã từng nói: ‘Dũng cảm và trí tuệ là hai anh em song sinh, nếu bạn không có dũng khí mở cánh cửa lớn mà bạn muốn bước vào, thì bạn chẳng thể nào biết được bí mật phía sau cánh cửa đó’.
Dũng cảm đối mặt với khó khăn là thái độ cần có của mỗi người, cố gắng tìm ra vấn đề càng là trách nhiệm của người đó. Nhảy ra khỏi mô thức tư duy cũ vốn chỉ lấy bản thân mình làm trung tâm, xem xét vấn đề từ góc độ quan điểm của người khác, điều này giúp bản thân có thể có được những thu hoạch bất ngờ.
Bạn phải thực sự nắm bắt được cốt lõi của từng vấn đề, tìm thấy những điều quan trọng nhất đối với bạn, phân đoạn công việc, đồng thời phân bổ thời gian thích hợp, trước hết hãy hoàn thành những việc quan trọng nhất, thành công sẽ gần trong gang tấc.
Khó khăn không phải là một vấn đề, chỉ khi bạn không thể tìm ra vấn đề để khắc phục thì nó mới trở thành vấn đề. Đừng sợ những điều bạn chưa biết, bởi chẳng ai biết tất cả, chỉ khi vượt qua bạn mới có thể quay đầu nhìn lại và thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều.
Cuộc đời không có những thử thách sẽ chẳng giúp bạn thay đổi được chính mình.
Dám thay đổi
Ông Brad Gold, 72 tuổi, sống tại Los Angeles (tiểu bang California, Mỹ), bị sa thải vào năm ông 53 tuổi khi giữ chức quản lý cấp cao của một chuỗi nhà hàng. Thật sự rất khó để tìm một công việc mới tại thời điểm mà hầu như mọi người đều kinh doanh theo tập đoàn. Ông đã phải ra quyết định bây giờ hoặc không bao giờ đối với việc mở nhà hàng, đó là ước mơ từ thuở nhỏ của tôi.
Ông từng sầu não: "Có rất nhiều vấn đề phải suy nghĩ nếu mở nhà hàng. Đầu tiên, tôi phải tìm và thuê lại một cửa tiệm đang trong hoạt động kém hoặc một nhà hàng mà chủ sở hữu đang muốn sang nhượng lại. Thật may mắn, yếu tố thứ nhất đã được đáp ứng, khi tôi tìm thấy chỗ vừa ý, chỉ cách nơi tôi ở khoảng 8 dãy nhà.
Điều trăn trở thứ hai, là làm thế nào để có vốn. Mọi chuyện xảy đến khá bất ngờ và tôi chưa có khoản dành dụm nào cho việc này, nên đi vay là phương án hợp lý nhất lúc ấy. Tôi mượn tiền từ bạn bè và người thân.
Thứ ba là khâu bài trí trong quán, lên thực đơn món ăn, công thức nấu ăn… Những việc ấy do một tay vợ tôi làm, cô ấy đã rất khéo léo và tỉ mỉ tới từng chi tiết. Tôi đặt tên cho quán là " Black Dog Coffee ".
Kết quả là gì? Sau 18 năm, vợ chồng ông Brad kinh doanh tốt hơn bao giờ hết. "Nghĩ lại lúc bị buộc thôi việc, tôi thấy thực ra đó là một bước ngoặt để mở ra một cơ hội lớn trong cuộc đời mình", ông nói.
Ông thừa nhận, thay đổi là điều rất khó khăn! Bởi vì sự thay đổi có nghĩa là những thứ quen thuộc đã trở thành xa lạ. Hầu hết mọi người sẽ cảm thấy thoải mái với hoàn cảnh trước mắt mà không dám thử nghiệm những sự việc mà mình không biết. Nhưng chỉ khi bạn dám nhảy ra khỏi phạm vi thoải mái của bản thân, can đảm để trải nghiệm, bạn sẽ biết được những gì xảy ra sau đó. Đôi khi, chỉ có thay đổi chính mình, chúng ta có thể thay đổi số phận của bản thân.
Cuộc đời của mình sẽ đi về nơi nào, nên do bản thân mình quyết định. Khi chúng ta rơi vào thời điểm khó khăn, thường sẽ ôm giữ cảm giác bi quan và chán nản đối với tương lai, nhưng nếu chúng ta có thể thay đổi một chút tâm thái đối ứng, xem khó khăn là ánh bình mình trước khi đến cửa hy vọng. Cuối cùng, luôn có kết quả tốt đẹp không thể ngờ đến đang chờ đón.
Một người có lẽ không thể thay đổi thế giới. Tuy nhiên, miễn là bạn sẵn sàng để chấp nhận thay đổi, bình thản đối diện với cuộc đời, bất kể những thất bại và hoàn cảnh khó khăn ập đến như thế nào, bạn nhất định sẽ có thể có một cuộc sống tuyệt vời hơn.
Kiên trì, kiên trì và kiên trì
Một người từng hỏi nhà nghiên cứu nổi tiếng Trung Quốc Trương Tuyết Phong: "Tôi biết mình không thể vượt qua kỳ thi nghiên cứu sinh năm nay, tôi có nên từ bỏ không?".
Tuyết Phong trả lời: "Nhất định vẫn phải đi. Bởi vì kiên trì là một loại thói quen, từ bỏ cũng là một loại thói quen. Nếu cảm thấy chắc chắn đi thi không đậu, như vậy sang năm có lẽ cũng sẽ nghĩ như vậy, năm sau cũng có thể nghĩ như vậy, vì vậy cả đời cũng không thi đậu".
Khi chúng ta, đối với những mục tiêu muốn theo đuổi có thể thực hiện mỗi ngày, ngày hôm nay làm không tốt, ngày mai sửa cho tốt hơn, không bởi những khó khăn chướng ngại trước mắt mà bỏ cuộc, hướng đến những mục tiêu lâu dài hơn thì kiên trì sẽ trở thành thói quen, một "cơ chế" giúp bạn nâng cao năng lực bản thân.
Hãy nhìn xung quanh và suy nghĩ về bản thân mình, có bao nhiêu người tuyên bố tập thể dục, nhưng cuối cùng lại bỏ cuộc, và vẫn luôn than vãn mình "quá khổ". Có bao nhiêu người hôm nay theo đuổi mục tiêu này, ngày mai theo đuổi mục tiêu khác, cuối cùng lại đứng núi này trông núi nọ, không đạt được gì cả khiến bản thân khổ não.
Thất bại không phải là bi kịch, nhưng dễ dàng bỏ cuộc thì chắc chắn là bi kịch. Lựa chọn dũng cảm đối mặt với khó khăn và kiên trì đi tới tận cùng vấn đề mới thật sự là có trách nhiệm đối với cuộc đời của bản thân mình. Khi người khác bỏ cuộc, nếu chúng ta có thể kiên trì thêm một chút và nhẫn chịu, thì trong tương lai, khi nhìn lại, bạn sẽ thấy mình khác với bản thân xưa kia rất nhiều.