Khi kỳ nghỉ lễ càng dài, càng vui nhộn
thì chúng ta càng dễ rơi vào cảm giác buồn chán và khó bắt nhịp vào guồng quay
công việc. Cảm xúc uể oải là điều dễ hiểu, tuy nhiên cần nhớ những ngày nghỉ
Tết Nguyên đán đã kết thúc và một cuộc chiến “kiếm tiền" đã chính thức bắt
đầu. Mà ngay lúc này, điều đầu tiên bạn nên biết trong năm mới là dẹp bỏ các tư
duy sai lầm về tiền nong này, để mong đợi tài chính sang năm khởi sắc.
1. Lười thay đổi
Lười ở đây không phải chỉ là
lười làm việc mà là lười đổi mới bản thân và lười tham vọng. Nếu bạn luôn thấy
mình thiếu tiền, làm công việc thu nhập không cao và luôn phải dè sẻn trong mọi
khoản chi phí. Tuy nhiên, ngày ngày trôi qua mà bạn vẫn tiếp tục làm công việc
đó mà không nghĩ cách để có được vị trí công việc tốt hay có thu nhập cao hơn
thì bạn cũng đang mắc 1 bệnh lười: lười học hỏi để có thêm kiến thức và năng
lực, lười phấn đấu để đạt vị trí cao hơn, lười thay đổi vì sợ khó và sợ khổ.
Thêm nữa, hiện nay có những
người trẻ như thích dựa vào gia đình trong nhiều khoản chi phí như tiền nhà,
tiền điện nước. Thậm chí đến cả các quyết định quan trọng như lập tài khoản
tiết kiệm, nên chọn đầu tư hình thức nào… họ cũng cần tham khảo ý kiến bố mẹ.
Những người như vậy thật khó tạo nên cuộc sống độc lập tài chính và xây dựng
các thói quen tiêu dùng tốt.
2. Bỏ qua tầm quan trọng của đa
dạng thu nhập
Trong cuốn sách Người giàu nghĩ gì?, triệu
phú tự thân Steve Siebold từng viết: "Bạn phải làm sao để kiếm thêm tiền, sau đó sử dụng số tiền
đó đầu tư vào những dự án khác, đem về lợi nhuận, và lặp lại quy trình này
nhiều lần". Vị triệu phú cũng nhấn mạnh, hãy ngừng lo
lắng về việc hết tiền và tập trung vào việc kiếm tiền nhiều hơn.
Trong khi đó,
tác giả Thomas C. Corley trong một cuốn sách nghiên cứu về các triệu phú tự
thân kéo dài trong 5 năm khẳng định, người giàu không bao giờ dựa vào một nguồn
thu nhập duy nhất. "Phần lớn, họ có ít nhất
ba dòng thu nhập trước khi kiếm được một triệu USD đầu tiên".
Nhiều người thường nghĩ rằng,
trong cuộc đời họ chỉ làm một công việc duy nhất, rồi đợi đến một ngày thăng
lương và thăng chức. Tuy nhiên, khi một biến cố trong công việc ập đến như bão
sa thải hoặc kinh tế suy thoái, họ đột ngột mất công việc, mức lương suy giảm.
Lúc đó, họ mới tự hỏi: Những năm tháng về trước, họ đã làm gì trong hành trình
làm giàu?
Đa
dạng hóa thu nhập, chính là cách duy nhất để bạn chống lại “bẫy an toàn”
do lương hàng tháng mang lại. Bên cạnh công việc chính, bạn có thể tìm cách gia
tăng số lượng nguồn mang lại thu nhập bằng công việc tay trái hoặc đầu tư.
Ngoài việc tạo ra dòng tiền, đa dạng thu nhập còn mang ý nghĩa tinh thần. Bởi
lẽ không chỉ tạo cảm giác an toàn về tài chính khi gặp biến cố, chúng có khiến
bạn đủ tự tin để từ chối các hình thức đầu tư đầy rủi ro.
3. Chỉ muốn đi đường tắt kiếm tiền
Một số người có tư duy khi
cho đi thứ gì, họ lập tức muốn nhận lại thành quả. Họ muốn đi đường tắt để kiếm
tiền mà không quan tâm đến lợi ích của người khác, chỉ chăm chăm vào phần mình.
Họ có thể kiếm tiền trong thời gian ngắn nhưng cũng mất tiền rất nhanh.
Chẳng hạn họ muốn đồng tiền
sinh lời nhanh nên chấp nhận bỏ tiền đầu tư mạo hiểm, kinh doanh với nguồn vốn
lớn nhưng chưa chuẩn bị kỹ. Nhưng thực tế, các hình thức sinh lời nhanh luôn
tồn tại vô số rủi ro. Giàu có nhanh chỉ sau 1 đêm sau đó mất trắng là chuyện
thường thấy.
4. Không đầu tư
Nhiều người thường có xu
hướng cẩn trọng với tài chính của bản thân vì sợ nếu mất tiền sẽ khó kiếm lại.
Tuy nhiên, người giàu ngược lại. Họ sử dụng tiền để kiếm nhiều tiền hơn, nhưng
cũng xác định sẽ gặp những rủi ro, đầu tư là một trong những phương pháp đó.
Khi không đầu tư, chúng ta mất đi dòng tiền thụ động tiềm năng và tăng
trưởng tài chính trong dài hạn. Để vượt qua rào cản này, lời khuyên là bạn nên
học chiến lược đầu tư, tìm kiếm hỗ trợ từ chuyên gia và bắt đầu từ các khoản
đầu tư nhỏ và an toàn.