Ai cũng hiểu rằng tiết kiệm và chi tiêu hợp lý là điều cần thiết để có một nền tảng tài chính vững mạnh. Thế nhưng, nói luôn dễ hơn làm! Thực tế, có rất ít người có thể tuân thủ nghiêm ngặt được giới hạn chi tiêu mình đặt ra. Mỗi khi chúng ta thất bại trong việc tiết kiệm, chúng ta đều nghĩ rằng nguyên nhân chính là do bản thân thiếu kỷ luật, hoặc không giỏi giang trong việc tính toán chi tiêu.
Thế nhưng điều này hoàn toàn không đúng! Theo các chuyên gia kinh tế học từ Đại học Duke, Mỹ, hành vi mua sắm của chúng ta bị chi phối mạnh mẽ từ các yếu tố xung quanh. Ví dụ, chúng ta có xu hướng chi tiêu mạnh hơn vào những ngày mới được trả lương. Ngược lại, những ngày cuối tháng là thời điểm ta thường thắt chặt chi tiêu và cân nhắc rất kỹ trước khi mở ví.
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới cách chúng ta nhìn nhận tình hình tài chính cá nhân. Những nhận định này là cơ sở để ta đưa ra những quyết định chi tiêu. Vì vậy, áp dụng 3 mẹo tâm lý dưới đây giúp bạn luôn giữ tỉnh táo và có những quyết định tài chính thông minh!
1. Nếu bạn muốn tiết kiệm, hãy tập trung vào những khoản chi tiêu nhỏ nhưng thường xuyên
Trong một nghiên cứu thực hiện tại Đại học Duke về thói quen chi tiêu, các khoản chi gây tốn kém nhất lại đến từ những hạng mục mà ít người nghĩ đến nhất! Những hạng mục chi tiêu này bao gồm những lần đi ăn vặt ngoài hàng quán, gọi Uber, đi cà phê, hoặc gọi giao đồ ăn.
Điểm chung của tất cả những khoản chi này là giá trị mỗi lần chi thường không lớn, nhưng lại xảy ra với tần suất rất thường xuyên. Do đó, chúng ta thường bỏ qua những khoản chi này khi cân nhắc giới hạn chi tiêu của mình, vì ta nghĩ chúng không đáng là bao. Bạn có thể không thấy tiếc khi chi 20-30.000 đồng cho một bữa ăn vặt, nhưng nếu bạn đi ăn vặt mỗi ngày, vậy mỗi tháng bạn sẽ chi đến tiền triệu là điều đương nhiên.
Vậy làm thế nào để loại bỏ những khoản chi dễ gây "viêm màng túi" này? Rất đơn giản, hãy khiến những việc chi tiền cho chúng trở nên khó khăn hơn! Một trong những lý do chính khiến chúng ta vung tiền cho những khoản chi này là vì chúng quá tiện lợi, khiến ta không có đủ thời gian suy nghĩ cân nhắc. Làm cho quá trình thanh toán trở nên rắc rối hơn giúp bạn tránh hấp tấp khi đưa ra quyết định chi tiền.
Nếu bạn thích đặt món ăn qua app thường xuyên, hãy xóa bỏ app đó khỏi điện thoại. Nếu bạn hay mua sắm những món đồ linh tinh trên web, đừng lưu thông tin đăng nhập hoặc thông tin thanh toán tự động. Mỗi lần bạn muốn mua đồ, bạn sẽ cần phải nhập lại các thông tin từ đầu.
Một mẹo vặt phổ biến khác là thay vì quẹt thẻ, hãy rút một số tiền mặt cố định và chỉ chi tiêu trong phạm vi đó. Cách làm này cũng giúp bạn hình dung được giới hạn chi tiêu, từ đó cân nhắc kĩ hơn trước khi rút ví cho những việc không cần thiết.
2. Giao quyền quyết định cho phiên bản tương lai của mình
Trong một nghiên cứu khác từ nhóm các nhà nghiên cứu từ Mỹ, những người tham gia phỏng vấn được yêu cầu quyết định số tiền họ muốn tiết kiệm từ tiền lương của mình tại 2 thời điểm khác nhau. Nhóm thứ nhất phải đưa ra quyết định trước khi biết được họ nhận được mức lương là bao nhiêu, trong khi nhóm thứ hai được quyết định sau khi đã biết số tiền cụ thể họ nhận được.
Kết quả, những người ở nhóm thứ hai quyết định chỉ để dành trung bình khoảng 17% số tiền họ kiếm được vào quỹ tiết kiệm. Trong khi đó, nhóm thứ nhất đã dành tới 27%. Con số 10% khác biệt này phản ánh tâm lý chi tiêu của chúng ta theo 2 góc nhìn khác nhau: nhóm thứ nhất đưa ra quyết định với tư cách là phiên bản tương lai của mình, do đó họ chọn mục tiêu tiết kiệm cao hơn.
Trong tâm trí của mỗi người, "ngày mai" luôn là ngày mà chúng ta trở nên giỏi giang hơn, chăm chỉ hơn và thực hiện những thói quen sống tốt đẹp hơn. Khi nghĩ về phiên bản tương lai của mình, chúng ta thường đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn và hướng đến những mục tiêu lớn hơn. Đây là đặc điểm rất tốt mà ta có thể áp dụng vào việc xây dựng mục tiêu tiết kiệm cho bản thân mình.
Tuy vậy, bạn chỉ có thể đạt được mục tiêu nếu bạn bắt tay vào hành động. Nếu bạn đặt mục tiêu tiết kiệm, hãy cài đặt để tiền lương của bạn tự động chuyển vào tài khoản tiết kiệm mỗi tháng. Nếu bạn lập ngân sách chi tiêu hàng tháng, hãy chia số tiền bạn có vào các tài khoản khác nhau và chỉ chi tiêu trong giới hạn của từng loại tài khoản.
3. Tạo động lực tiết kiệm từ những khoảnh khắc chuyển giao
Trong một thử nghiệm về chiến lược quảng cáo dịch vụ tiết kiệm hưu trí, các nhà khoa học đã phát hiện ra một điều thú vị về cách chúng ta nhìn nhận tương lai có ảnh hưởng tới kế hoạch tài chính ra sao.
Các nhà nghiên cứu sử dụng 2 mẫu quảng cáo cho cùng một nhóm đối tượng. Mẫu quảng cáo thứ nhất có thông điệp như sau: "Bạn đã sẵn sàng cho khoảng thời gian hưu trí chưa? Dịch vụ tiết kiệm hưu trí X có thể giúp bạn tận hưởng tuổi già an nhàn hơn!"
Trong mẫu quảng cáo thứ hai, thông điệp được cụ thể hóa hơn: "Bạn sắp bước vào độ tuổi nghỉ hưu rồi. Bạn đã sẵn sàng cho khoảng thời gian hưu trí chưa? Dịch vụ tiết kiệm hưu trí X có thể giúp bạn tận hưởng tuổi già an nhàn hơn!"
Đối với nhóm thứ hai, việc đặt người xem vào giai đoạn chuyển giao trong cuộc đời của họ khiến họ cảm thấy bị thu hút và có động lực hơn khi nghĩ về vấn đề tài chính. Do đó, độ thu hút cũng như số lượng người đăng ký dịch vụ từ mẫu quảng cáo số 2 dĩ nhiên cao hơn so với mẫu số 1.
Các nhà tâm lý học gọi đây là "hiệu ứng khởi đầu mới". Hiệu ứng này giúp ta tăng động lực để làm việc mỗi khi bước vào một giai đoạn mới, ví dụ như dịp đầu năm hay ngày sinh nhật. Nếu bạn luôn cảm thấy trì hoãn việc sắp xếp lại kế hoạch tài chính cá nhân, hãy chọn những thời điểm có tính chất "khởi đầu" để làm việc này. Bạn có thể lợi dụng động lực từ những thời điểm này để bắt đầu những bước đầu tiên trong việc kiểm soát và phát triển tài chính cá nhân