Hỗ trợ trực tuyến
Thu Hương 099 699 9995
Minh Hằng 0973 283 636
Chiến Thắng 0973 283 636
Kim Oanh
0973 283 636
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 856
   Truy cập trong ngày : 14372
   Tổng số truy cập : 9295599
Chung quy lại, con người có 10 điều tốt đẹp nhất trong đời. Bạn đã đánh mất bao nhiêu? 10/29/2018 10:01:49 AM
Tiền có thể từ từ kiếm, nhưng có nhiều thứ, một khi mất đi, thì không thể tìm lại được, chỉ có thể hoài niệm mà hối tiếc.

1. Sự yên tâm

Tôi vẫn còn nhớ, trước đây, khi ở trong căn nhà cũ, nhà 5 gian mái ngói, đêm ngủ không cần đóng cửa, ngày hè gió thông thống lùa, mát rượi. Cả gia đình ngủ sâu giấc, chẳng bao giờ có ý niệm sợ trộm lấy đồ đạc, của nả. Ngày ấy, nhà không có điều hòa, nhưng không khí thật thoáng đãng, tươi mát, yên tĩnh. 

Còn bây giờ, bước vào ngôi nhà rộng lớn, sang trọng và đẹp đẽ, nhưng từ cổng cho tới từng căn phòng, đều là cửa đóng then cài chắn chắn. Đêm ngủ vẫn lo ngay ngáy có "khách không mời mà đến" ghé thăm. Một tiếng động nhỏ giữa đêm cũng choàng tỉnh giấc, hốt hoảng giữa muôn vàn thấp thỏm.

2. Đơn giản

Trước đây, đồ chơi của trẻ nhỏ cũng không nhiều, chỉ là mấy viên bi, dây cao su, bao cát, giấy báo… Tuy đồ chơi không nhiều, nhưng mỗi một loại đồ chơi, trẻ có thể chơi say sưa suốt cả ngày, chơi rất vui vẻ, thích ý!

Còn bây giờ, trong điện thoại của người nào mà không có dăm ba loại game? Đứa trẻ nào mà không có một đống đồ chơi các loại các kiểu?

Cho dù xã hội ngày càng hiện đại, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển đã mang đến cho con người môi trường giải trí càng phong phú, nhưng chúng ta lại đánh mất đi tình cảm thân mật khăng khít với bạn bè như thuở trước đây.

3. Lòng nhiệt tình

Trước đây, ở quê, mọi người quả thực thân thiết với nhau, xem nhau như người thân. Nhà cùng chung một ngõ, có món gì ngon đều mang biếu hàng xóm láng giềng nếm thử. Nhà ai có việc, mọi người đều xúm lại hỗ trợ. Việc nhà hàng xóm mà xăm xắn chẳng khác việc nhà mình, tình làng nghĩa xóm cứ thế đầy lên, ấm áp, khăng khít. 

Còn bây giờ, chúng ta ở cùng trong một tòa nhà, thậm chí là ở cùng một dãy, ngày ngày giáp mặt nhau nhưng không biết đối phương tên họ là gì, chỉ láng máng hao hao quen mặt. Chẳng may gặp sự cố gì, thứ nhận được có lẽ chỉ là ánh nhìn nghi ngại hoặc hiếu kỳ từ hàng xóm. 

4. Sức khỏe

Trước đây, trẻ con ở nông thôn thích nhất là lội sông bắt cá, hoặc là chạy khắp ruộng vườn hái dưa, bẻ trái, ăn trực tiếp, thưởng thức vị tươi xanh thuần tự nhiên.

Lớn lên rồi, muốn ăn thì bước chân vào siêu thị. Hàng hóa tràn lan rợn ngợp nhìn cực kỳ bắt mắt. Thức trái bày biện kín sạp, cá rất to, rau dưa xanh rì, mướt mát... nhưng dù mang về nhà rửa bao nhiêu lần cũng cảm thấy chưa đủ yên tâm. Cắn một miếng cũng ngập ngừng lo sợ đường tới nghĩa địa gần thêm một chút. Cuộc sống nâng cao, nỗi lo tăng lên gấp bội. Thật lạ! 

5. Vui vẻ

Trước đây, rất hiếm gia đình có tivi, có khi, cả xóm chỉ có một chiếc. Chiều tối tụi trẻ con í ới gọi nhau, người lớn tất cả ăn vội miếng cơm... để chạy tới ngôi nhà có tivi xem kịp bộ phim dang dở. Mà nào phải chiếc tivi màu màn hình phẳng to đùng như bây giờ. Ngày đó, căng mắt xem phim trên chiếc tivi đen trắng, hình ảnh đôi khi nhòe nhoẹt không rõ, thi thoảng gián đoạn bởi ăng-ten nhập nhoạng... Có nhà mang cả chiếc ghế đôn, tấm chiếu nhỏ đi xem phim, vừa xem vừa bàn luận vui vẻ, náo nhiệt. Hoàn toàn không có cảm giác chật chội, bí bách. 

Còn bây giờ, suốt ngày trên tay không hề rời cái điện thoại di động, cho dù đi đến đâu cũng có thể xem được phim, lướt được mạng. Tuy rằng mấy người tụ tập lại cùng ngồi với nhau, nhưng chẳng nói được mấy câu với nhau, mỗi người chỉ chăm chú vào cái di động trên tay mình. Chúng ta đối thoại với cái điện thoại nhiều hơn với bạn bè xung quanh và đối thoại với chính mình. 

6. Sự an toàn

Trước đây, bọn trẻ nhỏ cứ tụ tập ven đường vui chơi chạy nhảy, chỉ cần dùng mấy nhánh cây, ngọn cỏ bên đường là có thể chơi đến say sưa náo nhiệt, quên hết cả trời đất, thời gian, thậm chí quên luôn lời dặn dò phải trở về nhà sớm của cha mẹ. 

Còn bây giờ, xã hội phát triển, đường ngày càng rộng, xe ngày càng nhiều, cho nên bọn trẻ cũng không thể vui chơi chạy nhảy ở ven đường, bởi vì chỉ cần sơ ý một chút là có thể gặp nguy hiểm ngay. Tội nhất tụi trẻ con thành phố, không gian chơi ít ỏi, quẩn quanh mãi vẫn chỉ là những món đồ chơi công nghiệp, ao ước được hòa mình vào thiên nhiên trở thành món quà xa xỉ. 

7. Sự thỏa mãn

Trước đây, trẻ nhỏ chỉ có vài ba bộ áo quần đơn giản, màu sắc cũng đơn giản, phần lớn là mặc lại áo quần cũ của anh chị trong nhà đã mặc chật. Tuy nhiên, mỗi một cái quần cái áo được chúng ta xem như là bảo bối vậy, đặc biệt thích, có được đã là thỏa mãn rồi.

Còn bây giờ, áo quần đủ mọi sắc màu, mọi chất liệu, kiểu dáng, trong tủ treo đầy từng dãy áo quần. Tuy vậy, vẫn cảm thấy áo quần của mình không đủ xinh đẹp, vẫn cảm thấy không đủ đồ để mặc. Ngày ngày vẫn ca bài ca "Hôm nay chẳng có gì để mặc". 

8. Hồn nhiên 

Trong ký ức, trước đây chỉ có một rạp chiếu phim, người dân bình thường là không thể đến xem phim, mà người có thể đến xem phim cũng không nhiều. Có hôm trong thôn thông báo có chiếu phim ngoài trời, mấy đứa trẻ trong thôn liền hẹn hò cùng nhau đi xem, đứa thì leo lên cành cây ngồi, đứa thì leo lên mái nhà ngồi, hoặc là leo lên cột điện, vừa xem vừa cắn hạt dưa mang theo từ nhà, vui thích vô cùng!

Còn bây giờ, rạp chiếu phim nhiều vô cùng, thể loại phim cũng nhiều vô kể, nào là phim hiệu ứng 3D, nào là phim bom tấn của Hollywood, tùy thích chọn lựa. Nhưng phải xếp hàng mua vé, đăng ký chỗ ngồi trên mạng, đến rạp còn phải kiểm vé thêm lần nữa, lại không cho mang theo đồ ăn vặt, thức uống từ bên ngoài vào. Người ngồi bên cạnh hoàn toàn xa lạ, mỗi người chỉ biết chăm chú nhìn màn hình, bó kín trong một căn phòng cách âm chuẩn âm thanh theo tiêu chuẩn quốc tế. Đời sống nâng cao, mà cảm giác háo hức, tận hưởng của ngày thơ bé chẳng bao giờ tìm lại được. Hết phim mỗi người về mỗi hướng, hối hả. Và chính bản thân bộ phim mới xem, chẳng đọng lại nhiều trong trí nhớ, bởi sẽ lại bị cảm xúc của bộ phim sau đó đè bẹp, chen lấn mất rồi. 

9. Ký ức

Trước đây, tiệm chụp ảnh cũng không nhiều, một năm có được mấy lần đi chụp ảnh. Mỗi một tấm ảnh đều được giữ gìn cẩn thận, được tập hợp vào một quyển album, lưu trữ, hoặc lồng vào khung, được đặt ngay ngắn trên bàn, trên tủ… Mỗi lần mở ra xem, cảm xúc và ký ức vẫn còn nguyên vẹn.

Còn bây giờ, không mấy ai đi vào tiệm chụp ảnh, ai cũng có máy ảnh, máy quay phim, điện thoại thông minh… Chỉ cần ới nhau một tiếng là ảnh đẹp lúc nào cũng có. Mà chẳng cần có ai chụp, tự mình cũng có thể kiến tạo một bức selfie lung linh, rồi chụp đồ ăn thức uống, chụp phong cảnh mây trời... Có điều, những bức ảnh chụp đó được lưu trữ đầy thiết bị, nhiều khi bị quên lãng nằm im lìm trong một góc nào đó của bộ nhớ thiết bị, không có một giá trị lưu niệm khơi gợi ký ức nào. Đến cả chính ta, một ngày nào đó, lục lại ổ cứng, thẻ nhớ... mới ồ à hóa ra mình đã từng chụp ở đây.

10. Chân tình

Ngày trước, ông nội cưới bà nội chỉ cần dùng nửa đấu gạo, bát nước chè xanh; ba cưới mẹ cũng chỉ cần nửa con heo. Khi kết hôn, cũng chỉ nhận một tấm giấy hôn thú, làm một vài mâm cỗ mời mọi người vậy là đủ. Đồ cưới không có nhiều, thế nhưng rất vui vẻ, sống với nhau thực hạnh phúc tới tận khi đầu bạc răng long. 

Còn bây giờ, để đi tới ngưỡng cửa hôn nhân, tấm thảm đỏ dẫn vào lễ đường phải là tiền bạc, kinh tế. Sang thì yêu cầu nhà lầu, xe hơi, nhẹ nhàng hơn ắt phải có cái chung cư nho nhỏ... Chẳng biết tự khi nào, mặc định, không nhiều tiền - không hạnh phúc. 

Khi chúng ta dần dần trưởng thành thì cũng có nhiều thứ dần mất đi theo, sẽ không bao giờ có thể tìm lại được nữa. Nhân sinh có rất nhiều loại tư vị, nhưng phải đến một độ tuổi nhất định nào đấy, mới có thể thưởng thức được mùi vị tinh tế của nó.

Trong cuộc sống, bạn gặp gỡ rất nhiều chuyện tốt đẹp, nhưng lúc đó thường không mấy nhận ra giá trị đích thực để mà trân quý. Cho đến một ngày, quay đầu nhìn lại, bạn mới phát hiện ra đó là những điều tuyệt vời nhất mà mình đã trải qua. Nhưng khi ấy, chúng đã sớm rời xa mất rồi! Bởi thế, hãy trân quý cuộc sống hiện tại , bởi chỉ cần một giây sau, những gì của hiện tại mà bạn đang trải qua sẽ thuộc vì quá vãng. 

Lên đầu trang